𝐊𝐡𝐢 đ𝐨𝐚̀𝐧 𝐡𝐚́𝐭 𝐫𝐨̛̀𝐢 đ𝐢,
𝐭𝐨̂𝐢 𝐭𝐢̀𝐦 𝐧𝐡𝐚̣̆𝐭 𝐧𝐡𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐦𝐚̉𝐧𝐡 𝐤𝐢𝐦 𝐬𝐚…
• Ngày còn bé 7,8 tuổi, tôi đã biết dành tiền để mua vé vào xem cải lương mỗi khi có đoàn về quê mình lưu diễn. Nhớ như in có lần tôi mua được “vé giữa giờ” thật rẻ (nói là vé chứ thật ra là nan nỉ chú soát vé cho mình vào với cuộn tiền lẻ trong tay của đứa trẻ thấp bé cố xếp hàng theo dãy lan can sắt cao hơn nó cái đầu). Lần đầu tiên trong đời tôi nhớ mãi, sau khi nan nỉ chú soát vé bằng mọi cách, tôi được chú cho vào bên trong, mò mẫm bước đi, bên trong nhà hát lúc này tối om, sân khấu thì sáng bừng cảnh trí, không gian bao la rộng lớn đối với một cậu bé thấp nhỏ như tôi lúc bấy giờ, nhìn từ phía sau những hàng ghế toàn thấy là bóng đêm, tôi nghĩ rạp không có người, sợ sệt tôi vội quay đầu ra. Cho đến sau này tôi mới biết là trong rạp có rất nhiều người đang ngồi xem, mà tôi lần đầu bỡ ngỡ không nhận ra khán giả họ ngồi trong màn đêm thưởng thức (tôi thật quê mùa).
Những lần sau đoàn về quê diễn, tôi có nhờ chị hàng xóm sát vách nhà dẫn tôi đi cùng, chị cũng dẫn tôi đến rạp, cũng đưa tôi vào, sau đó chị có hẹn với bạn trai, cho đến khi giãn tuồng tôi mới gặp lại chị (thì ra chị hứa dẫn tôi để “bình phong” với mẹ chị là đi xem hát “chân chính” với đứa nhóc, cho mẹ chị tin mà cho chị đi chơi về muộn). Cũng chính lần đó, tôi mới có cơ hội xem trọn vẹn được một vở tuồng, bằng tâm hồn của một đứa trẻ thứ cuốn hút tôi lúc đó không phải là nội dung, tên tuổi các nghệ sĩ mà chính là những điều đơn giản nhất: cảnh trí, dòng thác cuộn chảy trên sân khấu, một thân cây cổ thụ nắng xuyên qua lá, những ánh sáng lung linh mà tôi khờ khạo tin rằng đó là con suối có nước chảy thật, cây có lá rơi thật… Tôi thích thú chờ đợi mỗi khi màn nhung khép lại rồi mở ra là phía trên kia sân khấu lại chuyển sang một cảnh khác, nó thật đẹp và thú vị làm sao đối với tâm hồn của một đứa trẻ tò mò về nghệ thuật một cách vụng dại như tôi… Tôi còn không thể nhớ tên vở tuồng, không hiểu hết câu chuyện, nhưng thích thú ngắm nhìn nghệ sĩ tô vẽ mặt bên trong hậu trường, thích lớp áo bào lấp lánh,… Hay tròn xoe mắt mồm há hốc với những màn đấu kiếm, bay lượn trên không của các nghệ sĩ mỗi lần diễn cảnh đánh nhau, họ móc sợi dây vào đai quanh lưng rồi lấy đà bay vèo vèo quanh sân khấu, cảnh tượng khiến tôi thán phục, đắm đuối không rời, rồi âm thanh của tiếng gươm khua, âm nhạc ly kỳ, mọi thứ thật sự thú vị hơn sức tưởng tượng của tôi rất nhiều.
• Tôi không biết đó có phải là tình yêu, là cảm xúc nguyên sơ của một đứa trẻ dành cho sân khấu hay không, nhưng tôi biết mỗi một vở tuồng, tôi được ngồi trên chiếc ghế to chính thức của hàng ghế mua vé khán giả (dành cho người lớn) tôi cảm thấy tự hào vì không phải đứng sát vách chờ ghế trống của ai đó ra về sớm. Gia đình tôi lúc đó cũng không nghĩ rằng tôi lại có thể dành tiền để nan nỉ chú gác cổng cho vào mỗi khi tuồng đã diễn được gần phần nửa vở, không ai nghĩ một đứa con nít lại mê xem sân khấu như tôi, nhất khi đó nhà tôi kinh tế cực kỳ khó khăn.
• … Có một điều mà tôi chưa từng kể với ai cho đến tận bây giờ, mỗi khi đoàn diễn xong, gánh hát rời đi, ngày hôm sau tôi thường đi bộ xuống rạp hát (cách nhà tôi chưa đầy cây số) ở ngay giữa chợ Cái Dầu, tôi đi vòng ra phía hậu trường, tìm nhặt những hạt kim sa rớt ra từ những chiếc áo, mũ mão của những nghệ sĩ, một cảm giác lâng lâng hạnh phúc khi nhặt được nhiều mảnh lấp lánh đó vì nó đẹp và nó quý đối với tôi dường nào… Giờ nhắc lại ký ức hiện về như mới vừa hôm qua, lòng tôi rộn ràng như thuở còn thơ, cúi nhặt những mảnh màu lánh lánh gìn giữ, tôi nghĩ nó rất xa hoa, lộng lẫy và khoảnh cách với cuộc đời của một đứa trẻ có hoàn cảnh gia đình như mình, nên tôi giữ nó như một phần ước mơ vậy.
• Nhà tôi ở sát vách nhà bà Tư hàng xóm (Bà Tư cũng là Mẹ của chị mà tôi nhờ dẫn đến rạp kể trên), bà mê cải lương lắm, mà suốt ngày suốt đêm mở cassette hết vở tuồng này đến vở tuồng khác. Nên lúc nào tôi ở nhà, học bài, tôi ăn, tôi tắm, hay thậm chí tôi đi ngủ đều nghe cải lương, có lúc tôi nhẩm theo lời ca và thoại của từng nhân vật. Cho đến sau này lớn lên tôi mới biết đó là những vở cải lương kinh điển: Kiếp nào có yêu nhau, Người tình trên chiến trận, Đêm lạnh chùa hoang, Ma/u nhuộm sân chùa, Tâm sự loài chim biển,…
Cải lương cứ như thế đi vào lòng mình, hồn mình lúc nào không hay biết…
Bà Tư mất, tôi xa quê lên thành phố học, nhưng ký ức về khoảng trời tuổi thơ của tôi không thể nào không nhắc đến “sức ảnh hưởng của cải lương” đã đi sâu vào tâm hồn của một đứa trẻ có những tương tác đầu tiên với nghệ thuật một cách hồn nhiên mà thấm đẫm…
Tối qua khi âm nhạc, ánh sáng sân khấu, người mẫu trình diễn trong “Ru Hò Xự Xang Xê Cống” BST của Nghệ sĩ – Nhà thiết kế Thuỷ Nguyễn làm lòng tôi cảm thấy rạo rực nhớ lại khoảnh trời ký ức đầy cảm xúc, tôi bồi hồi nhớ lại hình ảnh về những mảnh kim sa lấp lánh giữ lấy trên đôi tay bàn tay bé nhỏ, hớn hở chạy mang về nhà cất đầy trong chiếc lọ. Tôi cũng nhớ về những mái nhà lá quê san sát nhau, một nhà mở cải lương là 3,4 nhà xung quanh nghe cùng, nhớ tiếng băng cassette có lúc nhão nhẹt, rè rè, cũ rít, nhớ những buổi trưa chiều bài vọng cổ, tôi cũng chợt nhớ Mẹ và nhớ Cha thật nhiều… Tôi thấy mình ngây thơ hồn nhiên của thuở bé, hạnh phúc và tự hào vì một phần âm nhạc từ loại hình ca kịch truyền thống đã ăn sâu vào tâm hồn của một đứa trẻ luôn mê đắm với thế giới sắc màu của sân khấu và hậu trường một cách hồn nhiên, mà người lớn chẳng bao giờ nghĩ có một đứa trẻ ở miền quê nghèo lại bắt đầu thắp lên những ước mơ của nó bằng cách đơn sơ đó.
Nay làm lĩnh vực thời trang, có duyên được đồng hành cùng “Ru Hò Xự Xang Xê Cống” của Thủy Design House tôi cảm thấy hạnh phúc khi những ký ức thuở xưa sống lại, tôi thêm nhớ về những người xưa không còn nữa, nỗi nhớ nhung lấp lánh như ánh kim sa trong tay đứa trẻ thuở nào, lòng tôi vỡ oà khi ngắm nhìn hiện tại hơn ngàn bức ảnh được ghi lại, những khoảnh khắc show diễn, sân khấu hậu trường, mọi thứ như từ tâm hồn mình chảy ra cùng đồng đội. Tôi chợt nghĩ mọi thứ trong đời điều có những khởi nguồn nhân duyên, chúng ta cứ nuôi dưỡng tâm hồn theo cách của mình rồi mọi thứ sẽ được an bày khi đủ.
Tôi cảm thấy lòng mình hạnh phúc vô biên, hiện tại, bây giờ, ở đây và con người này, công việc này.
Tôi thích ở lại nhặt những thứ lấp lánh còn sót lại của một huy hoàng nào đó, để phấn đấu cho những ước mơ bé nhỏ của mình tiếp theo như những ngày còn thơ tôi đã từng hồn nhiên mơ ước.
• Cảm ơn Nghệ sĩ – Nhà Thiết Kế Thuy Nguyen, Kien
Ekip đạo diễn anh Long Kan và những người thực hiện, team make up Tung Chau, đạo diễn runway Nhã Trúc, người mẫu, diễn viên, nghệ sĩ, hậu trường,… một lần nữa mang giá trị truyền thống của dân tộc giao thoa tươi mới trong tinh thần thời trang.
Biết ơn vì cho tôi được tắm mình trong vùng trời ký ức tươi đẹp mà chưa bao giờ có dịp được kể cùng ai khi những nốt nhạc và ánh sáng sàn diễn vuông hôm qua vừa ngân lên và rực rỡ.
* CẢM ƠN KIENGCAN TEAM những cộng sự đã cùng tôi kể về một “Ru Hò Xự Xang Xê Cống” bằng những hình ảnh ngập tràn tình yêu: Phạm Phạm Zee Nguyen Cam Bỏng Nóng Vương Quang Thien Phuc Nguyen Duy Võ Lam Trường Huỳnh Thành Đạt Hin Phạm Jamie Gạo Gạo Vương Cát Tường Lê Nguyễn Bảo Nghi Bao Anh